0286 680 3638   Địa chỉ : Số 1B - Đường số 3 - Khu phố 5 - P. Hiệp Bình Chánh - TP. Thủ Đức

loc  phat

search-icon

Trang chủ»Tin tức»Tin tức công ty»Nông sản Việt: Chuyển động mới từ thị trường xuất khẩu

Nông sản Việt: Chuyển động mới từ thị trường xuất khẩu

Năm 2019 chứng kiến nhiều nông sản nước ta chính thức “gia nhập” vào các thị trường khó tính với tiêu chuẩn khắt khe. Nhưng đồng thời cũng là năm nhiều mặt hàng nông sản khác gặp khó khi xuất khẩu vào Trung Quốc- một trong những thị trường đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong đòi hỏi về chất lượng. Những biến động đó cho thấy, chỉ có đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu thì mới mang đến chiếc “chìa khóa vàng”, mở cánh cửa thị trường thế giới cho nông sản Việt Nam...

Những sắc màu tươi mới

Tháng 4-2019, lô xoài đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đây là kết quả của hơn 10 năm đàm phán giữa hai cơ quan nông nghiệp của Việt Nam và Mỹ, đánh dấu một bước tiến mới trong việc nâng cao chất lượng cho trái cây Việt Nam. Tám tấn xoài đầu tiên ấy được sản xuất tại Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) với quy trình nghiêm ngặt để bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là truy xuất được nguồn gốc. Anh Nguyễn Ngọc Châu, thành viên của Hợp tác xã xoài Mỹ Xương chia sẻ: “Gia đình tôi trồng xoài đã nhiều năm và bán đi nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhưng khi trái xoài do chính mình trồng được xuất khẩu đi Mỹ thì tự hào và xúc động lắm. Năm vừa qua, 7.000 m2 xoài của gia đình đã cho lợi nhuận gần 400 triệu đồng. Và từ đó, nông dân chúng tôi thuộc nằm lòng việc phải sản xuất theo tiêu chuẩn thì mới mong ổn định đầu ra và cho giá trị kinh tế cao. Bắt đầu từ tiêu chuẩn VietGAP, giờ nhiều hộ đã chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ. Bài học tiêu chuẩn đã ngấm vào máu những nông dân trồng xoài quê tôi”.

Với xoài đã khó vậy, còn để cá tra của Việt Nam được đàng hoàng “bơi” vào thị trường Mỹ, chúng ta cũng mất đến ba năm để đáp ứng yêu cầu. Đó là khoảng thời gian nỗ lực thực hiện ba nhóm tiêu chí: có hệ thống pháp luật trong kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm; năng lực thực thi pháp luật của cơ quan thẩm quyền; điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong toàn bộ quá trình chuỗi sản xuất từ con giống, nuôi trồng, vận chuyển, sơ chế, chế biến, đến xuất khẩu cá tra vào Mỹ. Một “chương trình hành động” ứng phó các yêu cầu này đã được phía Việt Nam triển khai quyết liệt, kết quả là đến đầu tháng 11-2019, Cục Kiểm tra An toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thông báo về việc công nhận hệ thống kiểm tra, kiểm soát sản phẩm cá và cá Siluriformes (cá da trơn; trong đó có cá tra) xuất khẩu của Việt Nam đủ điều kiện tương đương với Mỹ. Nhiều nông dân và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã mừng rơi nước mắt, vì có lẽ hơn ai hết họ hiểu được sự khốc liệt trong cạnh tranh của thị trường xuất khẩu cá tra những năm vừa qua. Chính vì vậy sự công nhận của Mỹ giống như niềm vui nhân đôi vì nó được coi như “tín chỉ” không chỉ đáp ứng yêu cầu từ phía Mỹ mà còn tạo niềm tin với rất nhiều thị trường khó tính khác trên thế giới.

Sau xoài, sau cá tra, đến cuối tháng 11-2019, nông sản Việt lại đón nhận tin vui với niềm tự hào lớn khi gạo ST25 do nhóm nhà khoa học Sóc Trăng gồm: Kỹ sư Hồ Quang Cua, Tiến sĩ Trần Tấn Phương và Kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương lai tạo, phát triển đã được công nhận là “Gạo ngon nhất thế giới 2019” tại Hội nghị Thương mại gạo quốc tế lần thứ 11 tổ chức tại Philippines. ST25 là loại gạo thuộc nhóm hảo hạng trong thị trường gạo hiện nay với hạt dài, trong, không bạc bụng, trồng ở vùng ven biển giàu khoáng vi lượng nên chất lượng đậm đà hơn trồng ở các vùng phù sa. Đây là lần đầu tiên gạo Việt Nam vượt qua các loại gạo thơm đình đám của Thái Lan, Campuchia để giành ngôi vị quán quân. Khi hạt gạo Việt hàng chục năm qua vẫn long đong lận đận với vòng quay xuất khẩu sản lượng cao, chất lượng thấp, giá thành rẻ thì sự vinh danh hạt gạo ST25 đang được hy vọng sẽ mở ra một bước ngoặt mới cho việc thay đổi tư duy sản xuất và xuất khẩu của cả ngành hàng chiến lược này. Đồng thời cũng góp phần khẳng định, rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng tạo ra những nông sản chất lượng hàng đầu thế giới.

hinh nong san

Tăng tốc trong cuộc đua tiêu chuẩn

Những điểm sáng của xoài, cá tra, gạo ST25 đã làm tươi mới bức tranh xuất khẩu nông sản năm 2019. Nhưng nhìn trên bình diện chung, chúng ta vẫn chưa có nhiều nông sản xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Một phần là do nhiều mặt hàng chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Phần khác, những nông sản đủ điều kiện xuất khẩu thì lại bị hạn chế về quy mô sản xuất và sản lượng. Cụ thể, như trái xoài, dù đã có lô hàng đầu tiên xuất Mỹ, nhưng đến thời điểm hiện tại cũng đang gặp khó khăn trong việc mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn cũng như duy trì tiêu chuẩn trên diện tích đã có, dẫn đến tình trạng thị trường gia tăng nhu cầu nhưng doanh nghiệp lại thiếu hàng đáp ứng. Giám đốc Hợp tác xã xoài Mỹ Xương Võ Việt Hưng trăn trở: Để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu xoài vào Mỹ đã khó nhưng để giữ vững các yếu tố đã đạt tiêu chuẩn còn khó hơn. Có những vụ do điều kiện thời tiết, khí hậu bất thường nên xoài không đạt chuẩn về mẫu mã, chất lượng; hay khâu bảo quản sau thu hoạch của doanh nghiệp thu mua xuất khẩu gặp trục trặc thì xoài đều không thể xuất đi Mỹ được.

Trong khi cả việc thâm nhập thị trường và giữ thị phần tại các thị trường khó tính gặp nhiều khó khăn thì năm 2019, nông sản Việt còn gặp “rào cản” lớn tại thị trường Trung Quốc- một thị trường truyền thống vốn lâu nay được coi là dễ tính. Theo đó, bắt đầu từ tháng 4-2019, Trung Quốc yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu. Từ tháng 10-2019, mọi thực phẩm xuất khẩu vào Trung Quốc đều phải tuân thủ quy định quản lý, giám sát việc ghi nhãn bao bì thực phẩm đóng gói sẵn xuất nhập khẩu của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn siết chặt quản lý danh mục hàng hóa thực phẩm được phép xuất khẩu vào nước này; quản lý danh sách cơ sở, doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu vào Trung Quốc (có chứng thư xuất khẩu)... Trước những yêu cầu gắt gao đó, đến thời điểm này, nước ta mới có chín loại trái cây được cấp phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm, măng cụt. Và đến tháng 10-2019, có thêm lô sữa đầu tiên của TH True Milk được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tại Hội nghị kết nối xuất khẩu hàng nông lâm sản sang thị trường Trung Quốc tổ chức tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh hồi đầu tháng 12-2019, hầu hết các doanh nghiệp xuất- nhập khẩu nông sản của Trung Quốc đều nhấn mạnh: Các yêu cầu về an toàn, vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc đối với nông sản nhập khẩu chắc chắn sẽ còn gắt gao hơn, nên doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam cần phải sớm điều chỉnh cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tốt các quy định đó.

Chính vì vậy, đổi mới trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản là yêu cầu quan trọng đặt ra đối với ngành nông nghiệp nước ta. Trong đó, tất cả các khâu đều phải chú trọng đến vấn đề tuân thủ các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Như nhận định của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Nông, lâm, thủy sản Việt Nam đã đi đến 185 nước trên thế giới với giá trị hơn 40 tỷ USD/năm, song một trong những thách thức lớn hiện nay trong xuất khẩu chính là vấn đề hội nhập toàn cầu. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng hơn vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thì cùng với lợi thế về thuế quan, các hàng rào kỹ thuật sẽ được các đối tác dựng lên ngày càng nhiều, đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận nhanh chóng với những yêu cầu, tiêu chuẩn về hàng hóa của các nước nhập khẩu để thâm nhập thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, từ đó tham gia có chất lượng, trách nhiệm hơn vào chuỗi nông sản toàn cầu. Do đó, việc tổ chức lại sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu bền vững, phát triển công nghệ chế biến, hỗ trợ quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, phát triển hệ thống phân phối nông sản nhằm khắc phục các hàng rào kỹ thuật trở thành vấn đề cấp thiết đối với ngành nông nghiệp”.

Cùng chung ý kiến về vấn đề tăng cường khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng hàng nông sản, ông Đỗ Quang Huy (Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ-SECO) cho biết thêm: Nông sản Việt Nam ngoài việc phải tuân thủ yêu cầu bắt buộc của thị trường nhập khẩu còn cần đặc biệt chú ý đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững tự nguyện (VSS), đó là: bảo vệ môi trường, điều kiện tự nhiên, các yếu tố liên quan đến lao động, con người, xã hội..., vì không xa nữa, các tiêu chuẩn tự nguyện này sẽ trở thành bắt buộc tại nhiều quốc gia. Và đây cũng là xu hướng chung của mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trên toàn cầu.

Đầu tháng 12-2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã ký kết bản cam kết hợp tác triển khai dự án “Nâng cao chất lượng và năng lực tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của chuỗi giá trị xoài ở đồng bằng sông Cửu Long”. Trước đó, Bộ cũng đã có cuộc làm việc với tỉnh Sóc Trăng về vấn đề khẩn trương triển khai các giải pháp phổ biến canh tác lúa ST25 cũng như sớm đưa giống lúa này vào danh mục giống quốc gia. Ngoài ra, Bộ cũng đang đề nghị phía Trung Quốc thúc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho trái cây của Việt Nam theo thứ tự ưu tiên: Sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi; và sản phẩm tổ yến, khoai lang, thạch đen... Đây được coi là những nỗ lực quyết liệt, nhanh nhạy của ngành nông nghiệp nước ta trong “cuộc đua” tiêu chuẩn và mở rộng thị trường nông sản.

“Nguồn www.trungtamwto.vn”

Thống kê truy cập

Liên hệ

 

CÔNG TY CỔ PHẦN PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG LỘC PHÁT

  • Văn phòng đại diện : Số 1B - Đường số 3 - Khu phố 5 - P. Hiệp Bình Chánh - TP. Thủ Đức
  • Mã số thuế: 0305554813 
  • Hotline: 0286 680 3638
  • Email: [email protected]

 

FaceBook